Thursday, January 3, 2013

Cái Tết thứ 10 sau song sắt của bà trùm lừa đảo Cái Tết thứ 10 sau song sắt của bà trùm lừa đảo

Cái Tết thứ 10 sau song sắt của bà trùm lừa đảo

Trần Thị Thanh Nhã đã một thời từng làm mưa, làm gió bằng những cú lừa ngoạn mục ở mảnh đất Hà Thành. Bà đã đẩy cuộc đời mình vướng vào tội lỗi, để rồi tuổi xế chiều vẫn là kẻ cô độc, trắng tay…

Những cú lừa ngoạn mục

Trong số những nhân vật tôi đã gặp trong cuộc đời cầm bút của mình, phạm nhân Trần Thị Thanh Nhã (SN 1952, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một người đặc biệt hơn cả. Đặc biệt bởi khi đã ở tuổi 60, bà Nhã vẫn là người cô độc, không chồng không con, sống trong những day dứt tội lỗi sau song sắt trại giam. Bà Nhã bảo, cuộc đời bà đã nếm trải đủ những sóng gió thăng trầm của một kiếp người. Có giàu sang phú quý, có sai lầm vấp ngã, có nhục nhã ê chề, để rồi từ một giáo viên đứng trên bục giảng được học trò kính trọng, bà đã trở thành một phạm nhân ăn cơm tù, mặc áo số, chưa biết đến ngày về…

Phạm Thị Thanh Nhã - Bà trùm lừa đảo khét tiếng một thời.

Dường như đã lâu lắm mới có người đến thăm nên bà Nhã tỏ ra khá bất ngờ. Phút e ngại ban đầu qua đi, bà Nhã cởi mở chia sẻ về cuộc đời mình. Bà Nhã tiếc nuối lắm, bà kể rằng từng có một tuổi thơ may mắn, êm đềm hạnh phúc trong một gia đình mà cả cha mẹ đều là giáo viên. Theo truyền thống của gia đình, học hết cấp ba, cô nữ sinh tên Nhã ngày ấy đã thi và đỗ vào trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường, Nhã may mắn được nhận về giảng dạy môn hóa tại một trường cấp 3 ở Đông Triều, Quảng Ninh.

Dù chẳng phải sống trong cảnh đói khát, nghèo khổ nhưng lúc nào trong Nhã cũng chỉ duy nhất một nỗi trăn trở về tiền bạc. Trong khi những cô bạn gái trạc tuổi Nhã luôn dành phần lớn thời gian để buồn vui với các cung bậc tình yêu đôi lứa thì Nhã lại chẳng mảy may quan tâm chuyện hẹn hò, Nhã quên cả những trang giáo án, Nhã mải miết nghĩ kế kiếm tiền cho thỏa chí giàu sang. Thế nên, những chàng trai vùng mỏ Quảng Ninh và cả một vài thanh niên mảnh đất Hà Thành sau một thời gian trồng cây si chẳng thành đã chán nản từ bỏ ý định chinh phục Nhã.

Rồi một ngày, Nhã quyết tâm từ bỏ bục giảng, bởi đồng lương lúc đó không đủ để nuôi sống bản thân, lao vào các phi vụ làm ăn, mặc cho bố mẹ, anh chị và bạn bè can ngăn. Năm 1985, được bạn bè giới thiệu, Nhã tìm được mối buôn bán qua biên giới Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn. Những ngày đầu buôn những món hàng hóa nhỏ như cây kim sợi chỉ, dần dần Nhã buôn đến thứ hàng hóa có giá trị cao và siêu lợi nhuận, đó là vàng. Đường dây làm ăn bị lật tẩy, Nhã bị bắt và kết án 5 năm tù về tội “Buôn vàng qua biên giới”. Năm 1989, Nhã được mãn hạn tù, mặc dù là kẻ trắng tay, nhưng Nhã vẫn không từ bỏ ý định làm giàu.

Mẹ Nhã được quyền đồng thừa kế căn nhà số 26 Lý Thái Tổ (Hà Nội) cùng với hai người khác. “Lửa làm giàu vẫn cháy ngùn ngụt” nên Nhã đã giả chữ ký của mẹ đẻ trong các giấy uỷ quyền và giấy tờ thế chấp ngôi nhà, vay trót lọt của 5 quỹ tín dụng Cầu Giấy, Đống Đa, Sông Nhuệ, Rồng Vàng, Trúc Bạch, tổng số tiền trên 600 triệu đồng. Số tiền vay được, một phần Nhã dùng để chi tiêu cá nhân và góp vốn làm ăn với một doanh nghiệp làm đường giao thông. Do kinh nghiệm làm ăn không có, Nhã thâm hụt vốn và không còn khả năng thanh toán. Khi mọi việc không thể cứu vãn được nữa, bị công an Hà Nội truy nã gắt gao về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Nhã bỏ trốn vào Đồng Nai và tiếp tục lấn sâu vào vòng lao lý.

Nơi đất khách quê người,  Nhã nhờ một đối tượng làm giả CMND lấy tên Nguyễn Thị Liên, hộ khẩu ở TP Hồ Chí Minh để tìm cách làm ăn mới. Một ngày, Nhã làm quen với Nguyễn Đình Vũ, làm dịch vụ giải chấp đáo hạn tiền vay tại các ngân hàng. Với chút nhan sắc, Nhã đã quyến rũ được Vũ lọt vào “bẫy tình” của mình. Vũ đã đến sống với Nhã như vợ chồng tại căn nhà thuê sang trọng.

Qua các mối quen biết của Vũ, Nhã tiếp tục dở các chiêu lừa vay lãi suất cao. Để tạo một vỏ bọc có uy tín trong con mắt của giới có tiền mà Nhã quen biết, Nhã mua đồ trang sức đắt tiền, thuê những chiếc xe sang trọng để đi lại, đồng thời lấy nhiều tên như Hằng, Khánh, Liên, Hạnh, Minh đăng quảng cáo trên báo về dịch vụ giải chấp đáo hạn tại các ngân hàng nhằm “câu” các “con mồi”... Chỉ trong vòng 1 năm, từ tháng 6/2000 đến tháng 6/2001, với nhiều tên làm ăn, Nhã đã lừa đảo chiếm đoạt của 12 người với tổng số tiền là 4,6 tỷ đồng, 27.100 USD, 3.000 đô la Úc cũng rất nhiều tài sản có giá trị khác.

Cô quạnh tuổi già sau song sắt

Một ngày, chuyện làm ăn của Nhã bị đổ bể, các chủ nợ phát đơn khởi kiện khiến Nhã bị bắt ngay sau đó với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Do phạm tội nhiều lần mang tính chuyên nghiệp, tài sản chiếm đoạt lớn, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nên tháng 9/2003, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Nhã mức án chung thân. Sau đó, Nhã bị di lý ra Hà Nội và đã bị TAND TP Hà Nội phạt 8 năm tù về tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sau hơn 10 năm bỏ trốn. Tổng cộng 2 bản án buộc Nhã phải chấp hành là tù chung thân. Cuộc đời tù tội của Nhã đã trải qua nhiều trại giam, từ năm 2006, phạm nhân này được “an cư” ở trại giam Xuân Nguyên – Hải Phòng.

Tết này là cái tết thứ 10 Nhã đón năm mới sau song sắt nhà tù. Tóc đã bạc, mắt đã mờ vì tuổi già, bà trùm lừa đảo khét tiếng một thời đã thấm thía lắm sự trả giá của tội lỗi. “Vì tham tiền, tôi đã tự đẩy cuộc đời mình chìm vào bóng tối, đẩy 12 gia đình vào cảnh túng quẫn, để đến bây giờ đầu đã hai thứ tóc, tôi vẫn chỉ là kẻ tay trắng, cô độc bởi sống cảnh tù đầy, không chồng, không con. Tôi hối hận nhiều nhưng chỉ biết khóc cho đến khi đôi mắt sưng to, tưởng chừng như mù hẳn. Rồi căn bệnh tiểu đường tái phát đã quăng quật tôi giữa 4 bức tường nhà giam trong nỗi cô quạnh đến ghê người…”.

Suốt khoảng thời gian ở tù, tình cảm gia đình duy nhất Nhã nhận được là từ người anh, người chị già đang sinh sống ở Hà Nội. Mặc dù tuổi đã cao, anh chị vẫn xuống thăm cô em gái đều đặn, gửi cho Nhã từng cái kim, sợi chỉ, khăn mặt, bánh xà phòng, dầu gội và thuốc men…Nhưng họ cũng đã già lắm, như ngọn đèn dầu leo lét trước gió. Bà Nhã thoáng chùng giọng khi nhắc đến anh chị của bà. Nỗi lo sợ mơ hồ về sự mất mát thoáng hiện trên gương mặt người phạm nhân già.

Bà Nhã tỏ vẻ sốt ruột nhìn đồng hồ treo tường trong căn phòng thăm gặp của phạm nhân. Hiểu ý của bà nên tôi nhanh chóng kết thúc buổi gặp, bà Nhà vội chào khách để trở lại buồng giam. Bà Nhã bảo, đã đến giờ bà phải tụng kinh. Đó như là một thói quen, một nhu cầu thiết yếu với bà. Hàng ngày, sau giờ lao động của trại giam, bà ta vẫn dành chút thời gian để tụng kinh, niệm Phật và cảm thấy lòng mình thanh thản hơn đôi phần…

Huyền Thư

Theo Infonet

  • Google +1
  • Google +1
  • Facebook

Source : news[dot]zing[dot]vn

No comments:

Post a Comment