Wednesday, December 26, 2012

Kỳ 1: VPF và cuộc chiến bản quyền truyền hình

Bóng đá Việt Nam 1 năm nhìn lại:
- Một năm với rất nhiều sự kiện buồn với bóng đá nước nhà và chỉ cần nhắc tới, người hâm mộ đã cảm thấy rất ngán ngẩm. Tuy nhiên, nhắc lại những chuyện cũ đế hướng về cái mới. Những gì đã xảy ra, cần được xem như bài học xương máu, đặc biệt là với các nhà quản lý bóng đá Việt Nam.


Cuối năm 2011, đầu năm 2012, sự ra đời của công ty VPF chính là tâm điểm của dư luận. Sau những mùa giải VFF điều hành với đầy rẫy vấn nạn trọng tài, mua bán điểm, bạo lực sân cỏ...thì sự ra đời của VPF mang theo biết bao kỳ vọng của người hâm mộ Việt Nam.

VPF ra đời được kỳ vọng sẽ thổi vào bóng đá Việt Nam một làn gió mới, giúp bóng đá Việt Nam thay đổi tích cực. Việc các ông bầu tiến hành “khởi nghĩa” đòi thành lập một công ty thay quyền VFF điều hành các giải đấu chuyên nghiệp, ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của tất cả những ai quan tâm đến bóng đá Việt Nam.

Cuộc chiến bản quyền truyền hình tốn nhiều giấy mực của báo chí. Ảnh: SN
Chính VFF cũng phải thừa nhận, sự ra đời của VPF là hợp thời và là xu thế không thể cưỡng được. Sự yếu kém của VFF trong khâu điều hành, tổ chức giải, cần được thay đổi để bóng đá Việt Nam có cơ hội “phất” lên được. Không thể chống lại quy luật, nên VFF cũng phải “ngậm đắng nuốt cay”, chấp nhận chia sẻ chiếc bánh to đùng là giải V.League với VPF.

Thạm vọng lớn, mơ ước cũng nhiều, thế nhưng những gì mà VPF “vẽ” ra đã không thực sự là màu hồng như công ty này tưởng tượng. Thay vào đó, VPF cũng rơi vào cảnh bế tắc như VFF, thậm chí còn bị mang tiếng là vừa đá bóng, vừa thổi còi khi có quá nhiều các ông bầu nằm trong HĐQT VPF.

Thực tế, không thể phủ nhận những nỗ lực cải thiện chất lượng giải đấu của VPF, như việc nâng mức lương cho giám sát, trọng tài, giảm thiểu các trận đấu “có mùi”...Với tôn chỉ hoạt động “Cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi, hướng tới tương lai, vươn ra thế giới”, VPF đã và đang nỗ lực các công việc để tiến hành tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp một cách tốt nhất.

Tuy nhiên những thành quả mà VPF đạt được, chưa đủ để tạo dựng được sự tin tưởng nơi người hâm mộ và đặc biệt là VFF. Chính vì thế mà trong năm đầu tiên điều hành các giải đấu, vẫn có những trục trặc khác quan và chủ quan. Vấn nạn trọng tài, những trận cầu thiếu tích cực, công tác an ninh...vẫn còn nhiều thiết sót. Sự kỳ vọng ban đầu, đã được thay bằng những nghi ngờ về khâu tổ chức vẫn để lại nhiều bất cập, nhất là chuyện các ông bầu lại là những người có ghế trong HĐQT công ty.

VFF và VPF có sự phân rẽ sâu sắc. Ảnh: SN
Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý nhất của VPF kể từ ngày thành lập, chính là cuộc chiến bản quyền truyền hình kéo dài kỷ lục với chính VFF và AVG. Cuộc chiến này đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí và khiến người hâm mộ phải ngao ngán. Cũng từ cuộc chiến này, biết bao câu chuyện bi hài kịch, từ hỷ, nộ, ái, ố được các bên tạo ra. Cuối cùng thì sau hàng tháng trời kiện cáo liên miên, khiến giải đấu bị bỏ bê, thanh tra Bộ VH, TT&DL đã phải vào cuộc.

Cuối cùng thì mọi thứ cũng chấm dứt, với kết quả toàn bộ hợp đồng mà VFF ký với AVG, được chuyển sang ngang cho VPF. Cuộc chiến bản quyền truyền hình kết thúc, thì tất cả nhận ra: “Ồ, VFF và VPF đâu phải là người một nhà, đâu phải là vì bóng đá Việt Nam?”.

Dù rằng VFF, VPF khẳng định cuộc đối đầu của họ không ảnh hưởng giải đấu, nhưng thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Niềm tin của các CLB, người hâm mộ với VFF và VPF xuống thấp đến mức báo động.

Đến lúc này, vẫn không ít người cho rằng VPF ra đời là sự tất yếu trong quá trình tiến lên chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, đáng tiếc là hầu như trong bất cứ công việc gì, VFF và VPF đều không tìm được tiếng nói chung. Một sự đối lập sâu sắc như vậy, bảo sao bóng đá nước nhà đã lao đao bởi khủng hoảng kinh tế tác động, nay càng thêm rối loạn từ chính cách điều hành của những người quản lý.

Kỳ 2: Ông bầu bỏ cuộc, bóng đá Việt tan hoang trong khủng hoảng


Song Ngư

Source : thethao[dot]vietnamnet[dot]vn

No comments:

Post a Comment